Công đoạn chọn giống, trồng và chăm sóc bưởi Tân Triều
Công đoạn thiết kế vườn bưởi
Thiết kế vườn trồng: Thiết kế mương theo rãnh (rộng 0,4 m, sâu 0,5 m) hoặc theo líp (rộng 0,8 m, sâu 1 m), theo hướng Bắc Nam hoặc Đông Tây. Vườn cần có hệ thống mương tưới vào mùa khô và tiêu vào mùa mưa. Sử dụng các cây như bình linh, xoài, mít, mận, dâm bụt,… làm cây chắn gió trồng xung quanh vườn.
Tuyển chọn giống bưởi tốt:
Đối với cây giống ghép: chiều cao cây giống từ 90 – 100 cm, đường kính thân 1 – 1,5cm. Cây sinh trưởng tốt, không bị sâu bệnh hại. Giống phải được sản xuất trong nhà lưới sạch bệnh.
Để có được năng suất cao thì khâu chọn giống bưởi là rất quan trọng. Đối với cây giống chiết cành nếu tự ghép hoặc chiết cành thì nên chọn: cành chiết từ những cây đầu dòng có năng suất cao, phẩm chất tốt, chống chịu sâu bệnh hại.
Giống và mật độ: Giống bưởi Đường Lá Cam và giống bưởi Ổi. Trồng vào đầu mùa mưa (tháng 6 đến tháng 7 dương lịch). Khoảng cách trồng thích hợp: 5 x 6 m; 6 x 6 m; 6 x 7 m; tương đương mật độ 260-300 cây/ha.
Chuẩn bị hố trồng và cách trồng: bón lót trước trồng 15- 20 ngày; bón từ 20 – 30 kg phân chuồng hoai mục; 0,3 – 0,5 kg super lân; 0,5 kg vôi; trộn đều với lớp đất mặt cho đầy hố, vun mô cao từ 10 – 20 cm so với mặt đất.
Khi đặt cây phải xoay mắt ghép hướng về chiều gió chính để tránh tách chồi, nén chặt đất quanh gốc tạo mô cao khoảng 10 – 20 cm so với mặt đất nhằm chống úng trong mùa mưa. Sau khi trồng dùng cây chống đỡ, nếu trời nắng hạn cần tủ gốc và tưới ngay sau khi trồng. Đối với cây chiết nên đặt cây nằm nghiêng một gốc 45 độ để cây phát triển cành và tán sau này.
Trong thời kỳ kiến thiết cơ bản nên trồng rau màu để tăng thu nhập và dùng xác bả thực vật làm nguồn hữu cơ cải tạo đất. Có thể trồng các cây họ đậu, rau, bắp hoặc chuối.
Trong thời kỳ kinh doanh nên để thảm cỏ trong vườn nhằm giữ ẩm chống xói mòn đất, thường xuyên làm cỏ quanh gốc để tránh cỏ cạnh tranh dinh dưỡng.
Công đoạn chăm sóc vườn bưởi
Ở thời kỳ kiến thiết cơ bản vào mùa khô có thể tưới 2-3 lần/tuần. Lượng nước tưới từ 40-80 lít/lần. Ở thời kỳ kinh doanh tùy từng giai đoạn mà lượng nước và số lần tưới thay đổi.
Ở giai đoạn ra hoa đậu quả 1-2 ngày tưới/lần. Lượng nước tưới từ 100-200lít/lần. Lượng nước tưới nhiều hay ít tùy thuộc vào: tuổi cây, loại đất, vật liệu tủ gốc, thời tiết và phương pháp tưới.
Kỹ thuật tạo tán cây bưởi
Là việc làm cần thiết nhằm tạo cho cây có bộ khung cơ bản, vững chắc từ đó phát triển các cành nhánh thứ cấp. Từ vị trí mắt ghép (trên gốc ghép) trở lên khoảng 50 – 80 cm thì bấm bỏ phần ngọn, để các mầm ngủ và cành bên phát triển.
Chọn 3 cành khỏe, thẳng mọc từ thân chính và phát triển theo ba hướng tương đối đồng đều nhau làm cành cấp 1.
Sau khi cành cấp 1 phát triển dài khoảng 50 – 80 cm thì cắt đọt để các mầm ngủ trên cành cấp 1 phát triển hình thành cành cấp 2 và chỉ giữ lại 2 – 3 cành.
Cành cấp 2 này cách cành cấp 2 khác khoảng 15 – 20cm. Sau đó cũng tiến hành cắt đọt cành cấp 2 như cách làm ở cành cấp 1. Từ cành cấp 2 sẽ hình thành những cành cấp 3.
Cành cấp 3 không hạn chế về số lượng và chiều dài nhưng cần loại bỏ các chỗ cành mọc quá dày hoặc quá yếu.
Do đặc tính giống bưởi Đường Lá Cam phân cành nhiều, cành yếu vì vậy nên chống đỡ cành trong thời kỳ kiến thiết cơ bản cũng như thời kỳ kinh doanh.
Kỹ thuật tỉa cành
Hàng năm, sau khi thu hoạch cần phải loại bỏ những cành: cành đã mang quả (thường rất ngắn khoảng 10 – 15 cm); cành bị sâu bệnh, cành ốm yếu, cành nằm bên trong tán không có khả năng mang quả; cành đan chéo nhau, cành vượt.
Vào giai đoạn cây bưởi hết thời kỳ kiến thiết cơ bản, thường xuyên phải bón phân, các loại phân bón bao gồm:
Phân hữu cơ: Bón phân hữu cơ hoai mục 30 – 60 kg/gốc. Bón vào đầu mùa mưa, cuốc rãnh bón theo hình chiếu cây, sâu 10 – 15 cm, rộng 10 – 20 cm rãi phân hữu cơ xuống rồi lấp đất lại và tưới nước đủ ẩm.
Phân vô cơ: Lượng phân cần bón: 2 kg Ure (46%N) + 5 kg Super lân (16% P2O5) + 2 kg KCl (60%K2O)/gốc/năm.
Phương pháp bón: có thể hòa nước tưới hoặc rãi gốc đã được xới nhẹ trên mặt gốc. Bón xong nên tưới nước. Nên bón vào thời điểm chiều mát.
Hằng năm cần bổ sung 1-1,2 kg phân Ca(NO3)2/gốc/năm cải thiện phẩm chất và thời gian tồn trữ, bảo quản sau thu hoạch.
Có thể chia làm 4 lần bón (7-10 ngày bón 1 lần) giúp phân hấp thu tối đa. Vào giai đoạn trái chín sinh lý nên bón phân Kali như K2SO4, KCl với liều lượng 300 – 400g/cây kết hợp với phun phân bón lá có hàm lượng Kali cao như 6 – 30 – 30, 7- 5 – 44 để gia tăng chất lượng quả bưởi.