Kỹ thuật trồng bưởi Diễn cho quả sai, mọng nước
Bưởi Diễn là loại hoa quả sạch, bổ dưỡng lại cho giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, các hộ gia đình cần có kỹ thuật trồng cây bưởi Diễn phù hợp, đúng đắn để cho chất lượng quả cao, ổn định.
Bưởi Diễn là loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Một ha bưởi Diễn sau 5 năm tuổi có thể đạt năng suất từ 50-65 ngàn qủa/năm, đạt giá trị từ 700-900 triệu đồng. Tuy nhiên để năng suất – chất lượng quả cao, ổn định, bà con cần áp dụng kỹ thuật trồng cây bưởi Diễn và biện pháp chăm sóc khoa học, dinh dưỡng đầy đủ hợp lý.
Giống
Để có những sản phẩm bưởi Diễn chất lượng cao đáp ứng được các yêu cầu của thị trường trong nước và phục vụ xuất khẩu, nhà nông cần chú ý tới xuất xứ và chất lượng giống. Thực tế cho thấy, phần chi phí về giống rất nhỏ so với các chi phí khác như: nhân công, phân bón, thuốc trừ sâu, đất đai,…
Chọn giống bưởi Diễn chuẩn là khâu quan trọng trong kỹ thuật trồng cây bưởi Diễn
Cây có nguồn gốc từ Đoan Hùng – Phú Thọ được trồng lâu đời (trên 100 năm) tại Phú Diễn – Từ Liêm – Hà Nội. Là giống đặc sản địa phương, cây sinh trưởng khỏe, phân cành mạnh. Quả chín vàng tươi, tép ráo, ăn ngon, nhiều nước. Trọng lượng khoảng 1-1,5 kg/quả. Thời vụ: Vụ Xuân trồng tháng 2-4, vụ Thu trồng tháng 8-10. Thu hoạch tháng 11 đến tháng 2.
Mật độ, khoảng cách
Tuỳ theo từng vùng đất xấu hay tốt và bố trí mật độ khác nhau. Đất xấu: Khoảng cách trung bình (5 m x 6m), mật độ 12 cây/sào Bắc Bộ. Đất tốt, điều kiện thâm canh cao có thể trổng dày. Khoảng cách (3 x 3,5 m), mật độ 35 cây/sào Bắc Bộ. Khoảng cách 3x3m, mật độ 40 cây/sào Bắc Bộ
Đất trồng bưởi Diễn
Đất trồng Bưởi Diễn có tầng dầy từ 1m trở lên, kết cấu xốp để giữ màu, giữ mùn, các chất dinh dưỡng và thoát nước tốt. Độ PH thích hợp từ 5,5 – 6,5. Không nên trồng nơi đất trống nhiều gió sẽ bị ảnh hưởng làm quả dễ bị rơi rụng, đối với các trang trại riêng lẻ ngoài cánh đồng trống nên trồng xen các loại cây cản gió.
Cách trồng
Trồng bưởi Diễn cần có mật độ trồng hợp lý
Chuẩn bị hố trồng: Trộn đều toàn bộ lượng phân bón lót với lớp đất trên mặt, sau đó cho xuống đáy hố, tiếp theo lấp đất thành ụ cao so với mặt hố 10-15cm. Hố cần phải được chuẩn bị trước khi trồng ít nhất 1 tháng. Vét một hố nhỏ đặt bầu rồi lấp đất vừa kín bầu và nén chặt. Sau đó cắm cọc chéo chữ X vào cây và buộc để tránh làm lay gốc làm chết cây.
Chăm sóc sau khi trồng
Sau khi trồng xong cần phải tưới nước ngay. Nếu trời nắng hạn tưới 1lần/ngày đến khi cây hồi phục sinh trưởng. Sau đó tuỳ điều kiện sinh trưởng và thời tiết để tưới (đặc biệt chú ý trong 30 ngày đầu tiên sau trồng).
Kỹ thuật trồng cây bưởi Diễn cũng rất chú trọng đến khâu chăm sóc, cắt tỉa
Cắt tỉa cành tạo tán cho cây thông thoáng, bỏ các cành bị sâu bệnh, thường xuyên sới cỏ dại xung quanh cây. Bón phân thường xuyên trong năm vào thời kỳ sau thu hoạch. Lượng phân bón tỷ lệ cân đối : 10 phân chuồng + 10 phân lân + 3 đạm + 3 Kali tuỳ theo cây to, nhỏ và khả năng hiện có. Khi bón, cuốc rãnh rộng 25-30cm, sâu 30cm (từ mép tán lá chiếu xuống đất) và lấp kín.
Phòng trừ sâu bệnh
Thường xuyên kiểm tra vườn cây, phát hiện sâu bệnh kịp thời. Sử dụng các biện pháp canh tác (xén tỉa cành lá sâu bệnh…) sử dụng các loại thuốc BVTV sinh học, thuốc hoá học ít độc, không dùng thuốc cấm và chú ý sử dụng thuốc theo nguyên tắc 4 đúng và chú ý một số loại sâu bệnh…
Thu hoạch và bảo quản
Trồng đúng cách sẽ thu hoạch được quả bưởi Diễn chất lượng cao, mọng nước
Khi quả già, vỏ quả hơi vàng màu đặc trưng của giống thì thu hoạch. Nên thu hái vào lúc trời râm mát, khô ráo. Quả thu hái về cần phân loại. Nếu vận chuyển đi xa khi đóng vào sọt hoặc thùng không quá 5 lớp (đóng sọt phải có lót rơm hoặc giấy giữa các lớp quả). Sau khi thu hoạch vệ sinh xung quanh tán cây, cắt tỉa cành già, cành sâu bệnh và tiếp tục chăm sóc.