Được biết giống Bưởi Năm Roi là một giống bưởi nổi tiếng ở Việt Nam được trồng nhiều ở một số tỉnh miền Tây Nam bộ ( nhất là tỉnh Vĩnh Long ). Cứ mỗi năm, giống bưởi này cho thu hoạch hai lần vào tháng Tám và tháng Chạp âm lịch, bán sớm lại được lòng thực khách nên rất được giá. Thế mới nói làm giàu đối với người dân nơi đây không hề khó. Thật tuyệt vời phải không, cùng tìm hiểu xem tiếp nhé.
Nguồn gốc, đặc điểm giống
Bưởi năm roi là giống có khả năng sinh trưởng và phát triển khá tốt. Chúng thích nghi với nhiều điều kiện khí hậu khác nhau. Cây bưởi có chiều cao trung bình từ 2,5 – 3 m. Cây có hoa mọc thành từng chùm ở nách lá. Quả mọc thành chùm 3 quả một. Trái có dạng hình tháp đáy rộng với trọng lượng trung bình khoảng 1,5kg/quả ( giống hình trái lê ). Khi chín quả có màu vàng nhạt vỏ khá mỏng. Đặc biệt bưởi năm roi có mùi hương khá đậm. Chinh phục thực khách với vị ngọt hơi chua thanh rất đặc trưng không có ở bất kì giống bưởi nào.
Về nguồn gốc, theo tìm hiểu thì Giống bưởi Năm Roi do ông Trần Văn Bưởi ( 1918 – 1990 ) người làng Mái Dầm ( nay thuộc xã Phú Hữu A, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang ) phát hiện. Lúc sinh thời, ông Bưởi làm nghề buôn bán trên sông. Một tối theo thói quen ông ngủ lại trên ghe bầu ở Tân Châu ( vùng Châu Đốc thuộc tỉnh An Giang thời Pháp thuộc ) thì vô tình nhặt được một trái cây trên sông. Trái cây da có màu vàng bóng, ruột màu vàng xanh. Xé ra nếm thử thấy vị ngon, mọng nước nên ông Bưởi rất thích. Ông lấy hột mang về quê Phú Hữu ( khu chợ Mái Dầm ) để trồng.
Kỹ thuật trồng bưởi năm roi
1. Thời vụ trồng
Thời vụ trồng bưởu năm roi thích hợp thường là vào cuối mùa khô đầu mùa mưa. Nên đặc biệt tránh những tháng quá khô hạn hoặc sương giá cây sẽ khó phát triển.
2. Tiêu chuẩn đất trồng
Bưởi năm roi phù hợp với loại đất có tầng canh tác đất dày, giàu mùn, đất thoát nước tốt, thành phần cơ giới cát pha, thịt nhẹ, đất phù sa cổ, đất bồi tụ (lâu năm).
3. Chuẩn bị đất trồng
Tiến hành cắm mốc đào hố với khoảng cách trung bình là 5m x 5m; đất tốt khoảng cách: 6m x 6-7m. Trong 3, 4 năm đầu, có thể trồng xen thêm những loại cây ngắn ngày. Kích thước hố trồng khoảng 60 x 60 x 60cm. khi đào hố lớp đất mặt để riêng một bên, lớp đất dưới để riêng một bên.
Bón lót từ 30 – 40 kg phân chuồng hoai mục + 0,5 – 0,7 kg lân + 0,2-0,3 kg Kali + Vôi bột 1 – 1,5 kg; thuốc sâu bột (Basudin 10H…) 0,1kg cho mỗi hố. Trộn đều lượng phân trên ( lưu ý không có vôi và thuốc) với lớp đất mặt và lớp đất giữa ( khi đào hố chú ý để riêng). Trả lớp đất dưới xuống hố, tiếp đó lấp phân và đất đã trộn xuống hố, dùng cuốc phá thành hố sau đó rải vôi lên mặt hố và lấp đất mỏng lên 2-3 cm nữa. Tiếp đó bơm nước vào đầy hố, khoảng 10-15 ngày sau bón thuốc sâu bột trên mặt hố, dùng cuốc đảo trộn đều khoảng 15 ngày sau là trồng được.
4. Kỹ thuật trồng bưởi năm roi
Kỹ thuật trồng giống bưởi năm roi
Kỹ thuật trồng giống bưởi năm roi
Trước tiên cần đào một lỗ ở giữa hố, đặt cây vào hố rồi lấp đất lại ( lấp đất vừa bằng cổ rễ hoặc cao hơn 2 – 3 cm tránh làm vỡ bầu hay lấp đất quá sâu ). Khi trồng nên có thêm bước tỉa bớt lá. Cây giống khi trồng nên đặt thẳng đối với cây ghép hoặc cây chiết có nhánh phân bố đều. Đặt nghiêng đối với cây chiết ít nhánh, giúp các đọt ở một bên mọc lên để tạo tán. Sau khi trồng xong phải cắm cọc để buộc thân cây tránh cho gió khỏi lay làm đổ cây. Tưới nước đẫm và dùng cỏ mục để phủ gốc ( phủ cách gốc 10 -15 cm để tránh sâu bệnh xâm nhập ).
5. Chăm sóc cây bưởi năm roi
– Tưới nước: Sau khi trồng định kỳ hai ngày tưới 1 lần, khi cây xanh tốt trở lại 5 – 7 ngày tưới 1 lần, vào những thời kỳ khô hạn, ít mưa nên tưới 3 – 5 ngày 1 lần. Tưới dặm nếu nắng gắt, chú ý thoát nước khi nước thoát ko kịp.
– Bón phân:
Lượng phân bón nên tuỳ thuộc vào tình trạng sinh trưởng của cây, nếu không có phân chuồng có thể chuyển qua sử dụng phân hữu cơ sinh học ( lân HCSH Sông Gianh ) với lượng 10 – 20 kg/hố. Giai đoạn bưởi nuôi trái cần bổ sung thêm phân bón lá, trung vi lượng, Siêu Calcium, bao hạt vàng để chống thối – nứt trái. Cây từ 1 – 2 tuổi nên pha vào nước, tưới định kỳ 1 – 2 lần/tháng. Cây từ năm thứ 3 trở đi, bón 4 đợt /năm, bón theo vành mép tán cây với lượng phân bón cho mỗi gốc:
+ Đợt 1, sau khi thu hoạch, bón trực tiếp phân chuồng + lân + vôi ( Bón theo rãnh sâu 20-30cm, sau đó lấp đất ).
+ Đợt 2, trước khi ra hoa 1 tháng, bón 1/2 lượng phân Urê.
+ Đợt 3, sau khi đậu trái khoảng 1 tháng, bón 1/2 lượng phân Urê và Kali.
+ Đợt 4, trước khi thu hoạch 1 – 2 tháng, bón 1/2 lượng Kali còn lại.
=> Phương pháp bón như sau: đạm, kali rải đều xung quanh tán, xới đất lấp phân. Ngoài ra có thể phun các loại phân bón lá và các nguyên tố vi lượng Mn, Fe, Zn, Bo, Mo,… các chất kích thích, điều hòa sinh trưởng.
6. Cắt tỉa và tạo tán cho cây
Thời gian đầu khi mới trồng bạn nên thường xuyên thăm vườn để nắm rõ được tình trạng sức khỏe của cây. Với những cành khô héo, cành vượt hay sâu bệnh cắt tỉa loại bỏ ngay.
Tỉa bớt cành cho cây được thông thoáng và dồn sức nuôi những cành khỏe mạnh. Nên định kì làm sạch cỏ dại xung quanh gốc cây. Đào bới và vun xới đất cho thoáng khí và tránh ngập úng. Có thể quét vôi vào xung quanh góc để hạn chế sâu bệnh hại xâm nhập vào cây.
7. Sâu bệnh hại cây bưởi
sẽ có chuyên mục riêng
8. Thu hoạch quả chín
Quả bưởi năm roi khi chín sẽ có màu vàng nhạt. Nên thu hái kịp thơi vào lúc nắng ráo sẽ cho bưởi thành phẩm đạt chất lượng tốt nhất. Bảo quản bưởi ở nơi thoáng mát sẽ giúp bưởi giữ được tươi lâu hơn.