Một nông dân ở tỉnh Lâm Đồng đã mạnh dạn chuyển hướng đầu tư vườn ươm giống rau và làm giàu từ vườn ươm này.
Anh Cương ở vườn ươm
ẢNH: G.B
|
Nhiều người trồng rau ở Lâm Đồng biết đến vườn ươm giống rau của anh Đặng Cương (41 tuổi) ở thôn Quảng Hiệp, xã Hiệp Thạnh, H.Đức Trọng. Mở đầu câu chuyện, anh chia sẻ: “Thật lòng, mình cũng không ngờ có được kết quả như ngày hôm nay. Trồng rau củ, rồi nuôi heo, trồng nấm, nuôi dúi và trở lại trồng rau, nhưng việc nào cũng thất bại cả, thế rồi cuối cùng lại thành công với vườn ươm rau giống này”.
Sinh ra trong gia đình nông dân đông anh em và nghèo khó nên học đến lớp 6, anh Cương đành nghỉ học ở nhà phụ giúp bố mẹ trồng rau. Bao nhiêu năm “chân lấm tay bùn”, anh thấm thía với nỗi vất vả của người nông dân, không chỉ với chuyện được mùa mất giá, được giá mất mùa, mà còn phải chạy đôn chạy đáo khắp nơi để tìm mua cây giống mỗi khi vào vụ.
Đã vậy, khi mua được rồi nhưng có mua đúng cây giống chất lượng hay không, còn phải trông chờ vào sự “hên xui”. Vì vậy, anh luôn đau đáu với câu hỏi làm sao để có cây giống tốt, đảm bảo chất lượng để cung cấp, phục vụ tại chỗ cho bà con. Vừa làm nông, anh vừa nghiên cứu, tìm hiểu quy trình ươm cây giống và đến năm 28 tuổi, anh mạnh dạn xin gia đình “ra riêng” để lập nghiệp.
Anh gom góp và vay mượn thêm từ bà con, anh em, bạn bè rồi quyết định xây dựng nhà kính, làm giàn, lập vườn ươm sản xuất cây giống theo hướng công nghệ cao trên diện tích 2.500 m2. Mấy tháng đầu tiên, dù cây giống đạt chất lượng tốt, nhưng do vườn ươm sinh sau đẻ muộn nên anh bán cây giống rất khó khăn vì nhiều người chưa biết đến. “Có lúc tưởng sắp bỏ đi vì cây giống sắp già, nhưng may mắn sao đúng lúc ấy các vườn giống khác lại khan hàng, bà con tìm kiếm khắp nơi không có nên dần dần nghe và tìm đến vườn ươm của mình. Nắm bắt cơ hội ấy, mình chăm sóc khách hàng tốt và giữ mối nên các lứa cây sau bà con tìm đến mình rất đông. Chỉ mất thời gian 6 tháng mà vườn ươm đã đi vào hoạt động ổn định”, anh Cương cho hay.
Theo anh Cương, vườn ươm nhìn thấy đơn giản vậy nhưng rất kỳ công, phải chăm như chăm con mọn và đặc biệt nếu không nắm vững kỹ thuật chăm sóc thì sẽ thua ngay.
Việc gieo ươm và chăm sóc cây phải có quy trình và giai đoạn cụ thể chứ không làm bừa được. Đầu tiên phải khử trùng và cấy men để xử lý đất, sau 6 tháng mới dùng máy dồn đất vào vỉ xốp, rồi tiếp tục dùng máy gieo hạt vào vỉ, xong mang ra đặt lên giàn trong nhà kính để theo dõi.
Khi cây lên được 5 – 7 ngày thì bón phân, thuốc vi sinh để hỗ trợ cây phòng trừ sâu, nấm bệnh. Đến giai đoạn cây chuẩn bị ra đồng, phải xử lý sạch thuốc cũ và bón thêm phân có hàm lượng lân, ka li để tăng cường chất dinh dưỡng cho cây.
Ngoài ra, việc tưới nước phải phù hợp, giờ tưới chính xác, trời nắng nếu trễ 30 phút thôi cũng làm cây bị cháy rồi, còn trời mưa nhiều mà không hạn chế tưới sẽ làm úng cây. Bên cạnh đó, cần thường xuyên có mặt ở vườn ươm để theo dõi sự sinh trưởng phát triển của cây, cây thiếu chất gì thì bổ sung hoặc có bị sâu bệnh gì thì phát hiện xử lý kịp thời.
Nhờ luôn chú trọng đến chất lượng cây giống và giữ uy tín nên công việc làm ăn ngày càng phát triển. Đến nay, anh Cương đã mua thêm đất phát triển lên 4 vườn ươm cây giống (8.000 m2) tại các xã trồng rau lân cận như: Hiệp An, Phú Hội (H.Đức Trọng), Tu Tra (H.Đơn Dương) để sản xuất các giống rau: bắp sú, lơ xanh, su hào, cải bẹ xanh, cải thìa, xà lách mỡ, xà lách xanh và củ dền. Bình quân 22 – 30 ngày thì anh Cương xuất 1 lứa cây giống với khoảng 800.000 cây, giải quyết việc làm cho 30 lao động tại địa phương.